Tin tức thị trường

Dầu thô tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm

Hôm qua tiếp tục là một ngày giao dịch biến động khi thị trường bám sát các diễn biến trong cuộc họp của OPEC+. Kết thúc phiên giao dịch, cả hai loại dầu thô đều đã vượt ngưỡng 75 USD/thùng, cụ thể dầu WTI tăng 2.4% lên 75.23 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.63% lên 75.84 USD/thùng.

2 thành viên chủ chốt của nhóm là Saudi Arabia và Nga đạt thỏa thuận sơ bộ tăng sản lượng trong nhóm thêm 400,000 thùng/ngày từ tháng 8 đến cuối tháng 12 năm nay, đồng thời đồng ý với việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối 2022. Điều này khiến cho giá WTI trong phiên có lúc chạm mức 76 USD/thùng.

Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của UAE và Kazakhstan, khi 2 nước này muốn thay đổi cách tính hạn mức hiện tại, từ đó nâng sản lượng được cho phép của 2 nước lên. Điều này phản ánh mâu thuẫn giữa các thành viên, khi 1 bên muốn tăng sản lượng để tăng tổng nguồn thu, trong khi bên còn lại muốn đảm bảo mức giá cao.  Do không đạt được thỏa thuận chung, cuộc họp Hội nghị Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ và Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ sẽ hoãn đến ngày 2/7 vào lúc 20h và 21h30 giờ tối nay.

Giới phân tích dự báo rằng báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu sẽ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm khoảng 700,000 công việc mới trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ còn 5.7%. Nếu báo cáo đưa ra một con số khả quan hơn, đó có thể sẽ là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm chương trình mua tài sản và nâng lãi suất trở lại.

Dollar Index tiếp tục tăng 0.17%. USD cũng mở rộng đà tăng sau khi dữ liệu cho thấy bảng lương tư nhân của Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 6 với 692,000 việc làm. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt đồng bạc xanh, do đó tỷ giá USD được đẩy lên cao.

Nigeria: Sản lượng dầu thô trong tháng 05/2021 giảm xuống mức 1.344 triệu thùng/ngày

Theo dữ liệu mới nhất từ OPEC, sản lượng dầu thô của Nigeria trong tháng 05/2021 giảm 6.32% so với tháng 04/2021, xuống mức 1.344 triệu thùng/ngày. Sản lượng trung bình trong quý I/2021 đạt 1.4204 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 1.301 triệu thùng/ngày trong quý IV/2020. Trong khi đó xuất khẩu trong tháng 5 đạt 1.23 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với tháng 04/2021.

Với việc sản lượng dầu của Nigeria không có dấu hiệu cải thiện và có nhiều câu hỏi được đặt ra về trữ lượng dầu thực tế, Chính phủ Liên bang đã buộc các công ty dầu khí phải tìm thêm trữ lượng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Dầu mỏ Nhà nước Timipre Sylva, người đã phát biểu tại Abuja, bày tỏ quyết tâm của chính phủ trong việc thúc đẩy sản lượng dầu của Nigeria lên mức 4 triệu thùng/ngày. Ông giải thích rằng việc cấp phép cho các mỏ dầu sẽ giúp đạt mục tiêu sản xuất, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của họ để giảm chi phí và hậu cần.

 

Iraq: Xuất khẩu dầu thô của chính phủ Liên bang ổn định ở mức 2.89 triệu thùng/ngày trong tháng 06/2021

Xuất khẩu dầu của Chính phủ liên bang Iraq, không bao gồm khu vực tự trị Kurdistan, được giữ ổn định trong tháng 06/2021. Bộ dầu mỏ cho biết xuất khẩu dầu của Liên bang trong tháng trước đạt trung bình 2.89 triệu thùng/ngày.

Xuất khẩu từ miền Trung và miền Nam Iraq đạt tổng cộng 2.789 triệu thùng/ngày, thấp hơn một chút so với mức 2.8 triệu thùng/ngày trong tháng 05/2021. Xuất khẩu dầu Kirkuk qua cảng Ceyhan tăng lên 102,507 thùng/ngày từ mức 98,739 thùng/ngày trong tháng 5. Trong khi đó xuất khẩu dầu Qayara nặng từ cảng Khor Al-Zubair tiếp tục bị đình chỉ.

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô của chính phủ Liên bang tăng lên 6.141 tỷ USD (với giá bán trung bình 70.778 USD/thùng) từ mức 5.917 tỷ USD trong tháng 5 (với mức giá trung bình 65.842 USD/thùng).

OPEC+: Thảo luận về việc tăng sản lượng thêm tổng cộng 2 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021

Theo S&P Global Platts, OPEC+ sắp đạt được thỏa thuận hạn ngạch sản xuất mới, hiện tại họ đang thảo luận về việc sản xuất thêm tổng cộng 2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 08/2021 đến tháng 12/2021. Nếu được thông qua, cắt giảm sản lượng sẽ giảm 1/3 vào cuối năm nay, xuống mức 3.76 triệu thùng/ngày từ mức 5.76 triệu thùng/ngày trong tháng 07/2021.

Các nguồn tin giấu tên cho biết thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất và Saudi Arabia đang tìm kiếm sự linh hoạt để hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ việc tăng sản lượng trong trường hợp Iran và Mỹ khôi phục thành công thỏa thuận hạt nhân.

Platts Analytics dự đoán rằng xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran có thể sẽ tăng lên 1.5 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021 từ mức 600,000 thùng/ngày trong tháng 05/2021 nếu thỏa thuận hạt nhân có thể được ký kết trong những tuần tới, mặc dù các cuộc đàm phán dường như đã bị đình trệ sau 6 vòng đàm phán tại Vienna.

Các nhà phân tích cho biết nếu như OPEC+ giữ sản lượng ổn định trong phần còn lại của năm, nhu cầu toàn cầu sẽ vượt quá nguồn cung khoảng 1.6 triệu thùng/ngày trong quý III và 2.2 triệu thùng/ngày trong quý IV/2021.

Kazakhstan: Ủng hộ việc OPEC+ tăng sản lượng khai thác dần dần trong những tháng tới

Trong ngày hôm nay, Bộ trưởng Năng lượng Nurlan Nogayev cho biết Kazakhstan ủng hộ việc OPEC+ tăng sản lượng một cách thận trọng trong bối cảnh các hoạt động kinh tế gia tăng, nhưng kế hoạch sản xuất của nước này trong năm nay sẽ không đổi. Bình luận trên được đưa ra một ngày trước khi OPEC+ họp để bàn về chính sách sản lượng trong tháng 08/2021.

Khi tốc độ tiêm chủng toàn cầu tốt và các doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại, Kazakhstan tin rằng việc gia tăng sản lượng dần dần sẽ là một kế hoạch tốt, Nogayev cho biết thêm. Ông nói rằng có khả năng nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ quay lại thị trường trong cuối năm nay, tuy nhiên quyết định chính thức vẫn chưa được đưa ra.

Tính tới thời điểm hiện tại, kế hoạch sản lượng của Kazakhstan gần như không thay đổi so với năm ngoái, ở mức 85.3 triệu tấn. Trong tháng sau, nước này sẽ được phép sản xuất 1.475 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận chung của OPEC+.

Trong năm 2021, Kazakhstan có kế hoạch tăng sản lượng lọc dầu lên 17 triệu tấn và tăng sản lượng các sản phẩm lọc dầu lên 12.4 triệu tấn, tăng lần lượt 7.6% và 7.8% so với năm 2020.

EIA: Tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 6.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/06

Theo báo cáo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/06 đã giảm 6.7 triệu thùng.

Một số số liệu quan trọng trong báo cáo của EIA như sau:

Góc nhìn kỹ thuật

Dầu WTI 

Đồ thị D1

Hiện tại dầu WTI sau quá trình tích lũy lại tại vùng giá 73.57$ trong 1 tuần thì đã phá qua hộp tích lũy vùng 72.4-74.3$ lên thẳng vùng 76.5$ theo Fibo mở rộng 1.618.

Giá sau khi chạm vùng giá 76.5$ dự kiến sẽ có 1 nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn khi đây cũng là vùng kháng cự đỉnh của năm 2018 và có thể giảm điều chỉnh bất cứ lúc nào.

Về trend trung hạn và dài hạn vẫn là xu hướng tăng và chúng ta sẽ canh mua lại dầu WTI tại những vũng hỗ trợ ở dưới.

Vũng hỗ trợ ngắn hạn: 73.2, 71,64$

Vũng kháng cự ngắn hạn: 76.5$

Dầu Brent 

Đồ thị D1

Dầu Brent vẫn đang đi trong mô hình kênh tăng và giá liên túc test lại vùng trendline của kênh và phản ứng giá.

Sóng tăng tiếp tục lên vùng 81.81$ ứng theo Fibo mở rộng 1.618 đang được hình thành và vùng này sẽ tới trong trung hạn tuy nhiên trong ngắn hạn các khung đều chỉ ra sự phân kì của giá và vẫn kì vọng cho 1 nhịp điều chỉnh lại của thị trường về lại vùng 71.6 để chúng ta có thể mở thêm những vị thế mua lên.

Hỗ trợ hiện tại : 74.37 , 71.6$

Kháng cự hiện tại vùng 77.2 $

Lưu ý:

– Mọi thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, Quý Nhà Đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng để đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.

– Luôn ưu tiên quản trị vốn để tối thiểu hóa rủi ro và từ đó có thể kiếm lợi nhuận một cách bền vững từ thị trường.

– Quý Nhà Đầu tư nên tìm kiếm một đội tư vấn, phân tích, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp để từ đó có thể kiếm được lợi nhuận từ thị trường. Đừng ngừng ngại liên hệ cho chúng tôi – Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi qua thông tin bên dưới.


CÔNG TY CỔ PHẦN GIAO DỊCH HÀNG HÓA GIA CÁT LỢI – Thành viên TOP đầu thuộc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam
Địa chỉ: 95 Nguyễn Công Trứ, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 024 7109 9247